8 địa điểm du lịch tâm linh đầu xuân tại tỉnh Thái Bình

Đây là một địa điểm du lịch tâm linh khi bạn đến với tỉnh Thái Bình. Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Thái Bình với tuổi đời gần 400 năm. Chùa vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ kính đặc trưng của các ngôi chùa Việt.

Chùa Keo tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có quy mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chùa Keo còn có nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Cùng với lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc” thì việc chùa được xây dựng quay mặt ra hướng nam với điểm đầu là Tam quan ngoại và điểm cuối Gác chuông nằm trên một trục bắc – nam. Đây được xem là đường “thần đạo” trong phong thủy kiến trúc.

Trong một năm, chùa Keo có hai lễ hội diễn ra vào mùa thu và mùa xuân. Lễ hội chùa Keo mùa xuân năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 4 – 7 tháng Giêng với đa dạng hoạt động, hứa hẹn mùa du xuân nhiều niềm vui và may mắn cho du khách.

2. Đền Trần và khu lăng mộ các vị vua triều Trần tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Cùng với đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình) với những nét mới trong kiến trúc càng ngày càng thu hút được rất nhiều khách du lịch thập phương, nhất là trong dịp lễ hội đầu năm. Đây chính là điểm đến tâm linh, nơi thưởng thức những trò chơi giải trí mang đậm dấu ấn cổ truyền của dân tộc.

Đền Trần và khu lăng mộ các vị vua triều Trần tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Đền Trần bao gồm có khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Nơi đây được coi là đất phát nghiệp, nơi đặt mộ tổ, các vua, hoàng hậu và công chúa nhà Trần, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia. Đền Trần có diện tích 5.175m2, được xây dựng công phu, uy nghi bề thế, đúng theo nghi thức và kiến trúc thời xưa.

Ngày nay, tòa Hậu cung có kiến trúc chữ đinh với diện tích lên 359m2, tòa Đệ nhị, Bái đường, tả vu, hữu vu, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan cũng mới được phục hưng và duy trì, phát triển. Lễ hội đền Trần năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 22/2 đến ngày 27/2/2024 (tức từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Lễ khai mạc và lễ bái yết dự kiến diễn ra vào tối ngày 22/2 với chủ đề “Hào khí Đông A- Tiếng vọng ngàn năm”.

3. Đền Tiên La tại xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Đền Tiên La được xây dựng tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà của tỉnh Thái Bình. Nơi đây vẫn còn lưu truyền về một nữ tướng xuất sắc mang tên Vũ Thị Thục (17 – 43) hay còn thường được gọi là Thục Nương – một danh tướng thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong trận khởi nghĩa năm 40, với khả năng của mình bà đã được phong danh là “Đông Nhung Đại tướng quân”. Đây là một ngôi đền được người dân xây dựng lên để thờ Bát nạn tướng quân nhằm tưởng nhớ công đức của Bà. Năm 1986, đền Tiên La đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Đền Tiên La tại xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Hiện nay, ngôi đền được xem là biểu tượng tiêu biểu của tỉnh Thái Bình. Lễ hội đền Tiên La được diễn ra từ ngày 10 đến 20 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội đền thu hút đông đảo du khách về tham dự, để cùng nhau tưởng nhớ công ơn giữ nước Bát Nạn Tướng Quân và khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong đó, chính hội là ngày 17, trùng ngày mất của Bát Nạn tướng quân (17/3/43). Lễ hội đền Tiên La tổ chức công phu, bao gồm các nghi thức tế lễ và các phần hội bao gồm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Không chỉ thu hút khách thập phương đến dâng hương chiêm bái vào dịp lễ hội mà hầu như các ngày thường, nhiều người dân, du khách các nơi cũng đến để thăm quan, chiêm bái. Đền Tiên La cũng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh đầu xuân nổi tiếng của Thái Bình.

4. Đền Đồng Bằng tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Đền Đồng Bằng thuộc địa phận xã An Lễ, huyện Quỳnh Lưu, được biết đến là ngôi đền linh thiêng đã được xây dựng từ thời vua Hùng Vương thứ 18. Ngôi đền này nhận được sắc phong “Tam Kỳ Linh Ứng – Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Đến nay, Đền Đồng Bằng đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất tại Thái Bình, thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đền Đồng Bằng khi được xây dựng là nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người đã có công giúp Vua Hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập làng giúp dân. Từ cuối thế kỷ XIII đến nay, đền thờ này còn tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các tướng quân dưới thời nhà Trần có công bảo vệ đất nước, ba lần đánh quân Nguyên – Mông khỏi bờ cõi nước nhà.

Đền Đồng Bằng tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Có dịp đến tham quan Đền Đồng Bằng, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với lối kiến trúc vô cùng ấn tượng tại đây. Đền được ví như bảo tàng mỹ thuật điêu khắc bằng chất liệu gỗ, vẻ đẹp đồ sộ và tinh xảo với tầng tầng, lớp lớp các cung thờ nối liền nhau. Đền Đồng Bằng gồm có 13 tòa, 66 gian, thiết kế dạng khép kín. Không gian thờ linh thiêng, các chi tiết đều được chạm trổ, điêu khắc cực kỳ tinh xảo, hàng trăm câu đối sơn son thếp vàng rực rỡ, quý linh, tứ quý trưng bày huyền ảo, sống động. Nếu bạn là người yêu thích khám phá các lễ hội truyền thống thì đừng bỏ qua lễ hội nổi tiếng của Đền Đồng Bằng, tổ chức vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm. Đây cũng là địa điểm du lịch tâm linh hấp đầu xuân thu hút đông đảo du khách tại tỉnh Thái Bình.

5. Khu di tích A Sào tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Khu di tích A Sào là nơi thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương cùng hai tướng Yết Kiêu và Dã Tượng, nằm cạnh sông Hóa thuộc xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ).

Khu di tích A Sào tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Năm 2011, Khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội truyền thống đền A Sào vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương. Ngoài ra, Bến Tượng A Sào là nơi voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trên đường hành quân vượt sông Hóa tiến đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Dân chúng đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt cho tháo cả nhà gỗ lim để tìm cách cứu voi chiến nhưng không kéo được voi lên. Voi nhìn chủ ứa nước mắt. Chủ tướng Hưng Đạo Đại Vương cũng đành nuốt nước mắt lên thuyền vượt sông để con voi ở lại vì thế trận quá khẩn trương, gấp gáp. Vương rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này.

Hàng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Vương, để ghi nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương, dân làng A Sào đều mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ và lễ hội làng A Sào là một trong những lễ hội lớn nhất vùng. Mọi nghi thức trong lễ hội này đều theo nghi thức quốc gia, triều đình thường cử các quan về hành tế và thường có bánh dày để cúng tế. Bánh dày cũng là loại bánh mà nhân dân trong vùng đã gói hàng nghìn, hàng vạn chiếc làm lương thực cho đoàn quân vượt sông Hóa đi đánh giặc thuở xưa.

6. Đền thờ Chúa Muối, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

Đền thờ Chúa Muối thuộc làng Quang Lang xưa thuộc huyện Thụy Vân, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ thời Trần, nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, là một làng muối cổ truyền có từ lâu đời. Nơi đây là quê hương của Đệ Tam cung phi của vua Trần Anh Tông là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh. Bà có công rất lớn trong việc truyền dạy nhân dân cách làm muối, buôn bán giao thương, giúp cho người dân quê hương bà có một cuộc sống ấm no từ những hạt muối trắng phau tinh khiết.

Đền thờ Chúa Muối, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Sinh ra trong một gia đình diêm dân, bà Nguyệt Ảnh lớn lên xinh đẹp, học rộng biết nhiều và rất hiếu thuận với cha mẹ. Thấy việc đồng áng vất vả, muốn xin giúp bố mẹ ra đồng làm muối nhưng mỗi lần bà ra ruộng làm muối thì mây đen kéo lại phủ kín đến che rợp cả một vùng. Bố mẹ thương con đã đóng cho bà một chiếc thuyền chở muối, để con gái chèo thuyền theo dòng sông Hồng lên bến Long Biên chốn kinh kỳ để tiện việc giao thương, lạ là con thuyền nhỏ của bà đi đến đâu lại có một vầng mây gấm bay theo che phủ cho bà khỏi cái nắng oi ả của mùa hè.

Quan quân thấy sự lạ liền bẩm tâu với Vua Trần Anh Tông đang ngự chơi tại bến Long Biên, Vua nhìn qua thấy à liền lập tức say mê với nét thanh khiết, giản dị của người con gái đất muối. Vua rước bà về cung và phong Đệ Tam cung phi. Ít lâu sau, bà mang thai nhưng thai nhi đã quá 9 tháng 10 ngày mà vẫn không sinh nở được, Vua Trần Anh Tông đã cho rước nàng về quê ngoại tại Trang Quang Lang, hi vọng với không khí mát lành của vùng biển sẽ cứu vớt được Cung phi và thai nhi.

Nguyệt Ảnh về đến nhà, cha mẹ rất nỗi vui mừng nhưng không lâu sau bà bị bệnh nặng, thuốc uống không đỡ. Thấy bà chiều nào cũng ra ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhảy múa để nàng bớt nỗi buồn. Nhìn lũ trẻ nhảy múa rất vui, bà đã mỉm cười rồi thác hóa vào ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất nơi cây hương trước đền. Thương tiếc đệ Tam Cung Phi, Vua Trần Anh Tông đã sắc phong cho nàng làm Phúc thần, cho Nhân dân lập đền thờ phụng mang tên Đền thờ Bà Chúa Muối.

Lễ hội Bà Chúa Muối với tục rước Ông Đùng Bà Đà ngày 14/4 âm lịch hàng năm đều rộn rã vui tươi trong tiếng hò reo của hàng nghìn người dân đổ về tham dự với tâm thành tưởng nhớ tới công ơn đức Đệ Tam Cung Phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh tài hoa nhân đức.

7. Đền Thánh Mẫu tại xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình

Đền Thánh Mẫu là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đền thờ một bà Hoàng hậu nhà Đinh có tên húy là Đinh Thị Tỉnh, hiệu Trinh Minh hoàng hậu. Trong đời sống tâm linh của người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến nhất. Từ nhiều thập kỷ qua, giới nghiên cứu tín ngưỡng dân gian trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định: tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian giàu tố chất nhân văn độc đáo của Việt Nam.

Đền Thánh Mẫu tại xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Ngôi “Quốc Mẫu từ” còn lưu giữ nhiều sắc phong thời Nguyễn và cuốn thần tích chữ Hán do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn đã được sao chép vào năm 1739. Hàng năm nhân dân làng Phù Lưu vẫn tổ chức lễ hội long trọng để tưởng nhớ tới 5 anh em họ Đinh đã có nhiều công lao trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước của vua Đinh Tiên Hoàng để lại dấu ấn không phai mờ trên đất Thái Bình.

8. Đền Chòi tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

Tọa lạc trên một gò đất cao nơi của biển Đại Bàng (nay gọi là cửa biển Thái Bình), đền Chòi hay còn gọi là đền Dinh, đền Tam Toà (xã Thụy Trường) được biết đến là chốn linh thiêng lâu nay được rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh ghé thăm. Đây cũng là một trong những công trình nằm trong cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia: đền Chòi, chùa Bến, chùa Chỉ Bồ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận vào năm 1989, nhờ lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hoá và có quy mô kiến trúc rất độc đáo.

Đền Chòi tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Từ ngoài vào trong, đền Chòi là một quần thể di tích được tạo bởi các công trình: cổng đền, hai dãy nhà chè, toà điện tiền tế, toàn điện đệ nhị, toà điện hậu cung… được làm và trùng tu vào các năm 1907 và 1941. Nội thất được trang trí, điêu khắc công phu, nhiều mảng chạm rất tinh xảo mang phong cách thời Lê có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, trong đền hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự, tế khí, bát biểu, nhang án, 17 sắc phong của các đời vua rất quý giá.

Lễ hội chính của đền Chòi được mở vào ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch hàng năm. Không chỉ là lễ hội của riêng người dân Thụy Trường mà là của nhiều người dân quê biển tưởng nhớ tri ân những vị thần linh, tướng quân có công dẹp giặc cứu nước, cứu dân và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nguồn: https://thaibinh.gov.vn

TƯ VẤN MIỄN PHÍ