City tour: Thành Nam – Điểm hẹn cuối tuần

Mến chào quý vị và các bạn, vào mỗi dịp lễ tiết hay những ngày nghỉ cuối tuần, nếu có dịp về thăm vùng đất Nam Định văn hiến xin mời quý khách đến với chương trình City tour Thành Nam với những điểm dừng chân ấn tượng  và rất thú vị.

Kính thưa quý du khách và quý vị khán giả đang xem trên kênh. Khi nói đến Nam Định, chúng ta vẫn thường được nghe nói đến với Non Côi – Sông Vị.  

Non Côi ở đây là núi Gôi Vụ Bản thuộc đất Thiên Bản xưa, còn Sông Vị tức con sông Vị Hoàng, một con sông đã đi vào lịch sử và thi ca rất nổi tiếng. Sông Vị Hoàng xưa là con sông được đào vào thời nhà Trần, nối liền kênh Phù Long với dòng sông Vĩnh Giang. Trải qua thời gian năm tháng biến đổi của lịch sử con sông Vị Hoàng nay đã không còn bởi trong quá khứ đã bị san lấp nên nó còn có một tên gọi khác là: Sông Lấp, vậy mới có thơ rằng:

“Sông kia rày đã lên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”

(Thơ: Trần Tế Xương)

Dòng sông xưa từng chia làng Vị Hoàng thành hai phía. Ở phía trên là thôn thượng, thôn Hậu Đồng còn phía bờ bên là Khoái Đồng. Người dân hai bên muốn qua lại, phải đi qua đò Bích Câu, hay đò Bến Ngự.

Sau khi quân Pháp chiếm đóng, đã cho san lấp gần hết sông Vị và chỉ còn lại một khúc sông ngắn tạo thành hồ nước lớn như ngày nay.

1.Tổng quan chung:

Kính thưa quý vị, chúng ta đang có mặt tại khu vực: Công viên hồ vị Xuyên. Nơi đây là trung tâm của thành phố Nam Định anh hùng.

Ngược dòng lịch sử, Khi nói đến vùng đất Thành Nam ta lại nhớ: Kể từ khi nhà Trần khởi nghiệp năm 1.225,  trong quá trình trị vì và xây dựng đất nước. Vua Trần Thái Tông đã cho xây dựng nhà cửa, cung điện làm nơi ngự, mỗi khi về thăm quê Tức Mặc, sau này còn nâng hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, và hành cung Thiên Trường từng là nơi ở của các Thái Thượng Hoàng sau khi nhường ngôi cho Hoàng Thái Tử kế vị ngai vàng. Chính vì vậy Thiên Trường xưa từng được coi là Kinh Đô thứ 2 sau kinh thành Thăng Long của vương triều Trần lúc bấy giờ.

Vào thời vua Lê Thánh Tông, nhà Vua đặc biệt coi trọng vị thế về kinh tế, quốc phòng của vùng đất Thiên Trường và đã cho xây dựng một đồn binh ở làng Vị Hoàng và được gọi là: Quân Doanh Vị Hoàng, nơi từng có kho lương và kho vũ khí rất lớn.

Đến năm 1.804 thời vua Gia Long – Triều Nguyễn, từ sự hiện hữu của: Quân Doanh Vị Hoàng trước đó, cùng với lợi thế về chính trị, kinh tế, quân sự. Triều Nguyễn đã chuyển sở lỵ trấn Sơn Nam từ Vân Sàng Ninh Bình về đây và cho đắp thành Vị Hoàng bằng đất, dân gian quen gọi là Thành Nam.

Đến thời vua Minh Mệnh 1.822 trấn Sơn Nam Hạ được đổi tên mới thành Trấn Nam Định.

Tới thời Pháp thuộc, sau khi hai lần quân Pháp đánh chiếm Nam Định vào các năm 1.873 và 1.883 Thành Nam xưa đã bị phá hủy nặng nề và đến những năm cuối thế kỷ XIX, Thành Nam Định được xây dựng lại với nhiều hạng mục công trình xây dựng mang phong cách Châu Âu hiện đại. Các công sở, dinh thự phục vụ cho bộ máy chính quyền thuộc Pháp, cùng nhiều xí nghiệp, nhà máy như: Nhà máy Sợi, nhà máy Tơ, nhà máy Chiếu, nhà máy Dệt và thời kỳ này một Trung tâm Sợi – Dệt lớn và hiện đại nhất Đông Dương ra đời và các tuyến phố mới đã mọc lên để rồi Thành Nam Định còn có một tên gọi khác là: Thành Phố Dệt.

 Chúng ta đang hiện diện tại: Công viên Vị Xuyên và hồ Vị Xuyên đây chính là một khúc sông của con sông Vị Hoàng xưa. Nhớ có lần tôi cũng những người bạn ở văn phòng lữ hành tảng bộ nơi đây, có người anh em hỏi rằng: Hồ nước này là một khúc sông của dòng Vị Hoàng Xưa, vậy sao không gọi tên là: Hồ Vị Hoàng mà lại gọi là: Hồ Vị Xuyên ?

Có nhiều cách lý giải, nhưng thuyết phục hơn cả đó là…

Đến đây xin kể một câu chuyện liên quan để quý vị và các bạn liên tưởng: Tích xưa kể rằng vào năm 1.865 Khi Cụ Trần Bích San đỗ Tam Nguyên được vào chầu vua Tự Đức – Triều Nguyễn. Nhà vua có hỏi về quê quán của vị Tam Nguyên và được biết quê hương của tam nguyên Trần Bích San là làng Vị Hoàng nơi có dòng sông Vị Hoàng xưa. Do nghe phạm tên húy bởi cùng tên với chúa Nguyễn Hoàng, vì vậy nhà vua cho đổi tên làng Vị Hoàng thành Vị Xuyên và có lẽ đó hồ lớn được hình thành từ con sông Vị Hoàng mới có tên gọi Vị Xuyên như ngày nay.

Trong bài thơ Vị Hoàng Hoài Cổ của tác giả Trần Tế Xương có viết:

“Nô nức qua chơi thú Vị Hoàng

Này nơi phong vận đất nhiều quan

Trời kia khiến vậy sông nên bãi

Ai khéo xoay ra phố nửa làng”

Trải qua bao biến thiên thăng trầm của thời gian. Thành Nam luôn mang trong mình những dấu ấn lịch sử và còn để lại những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc rất nổi tiếng để hôm nay, khi có dịp ghé thăm Thành Nam, chúng ta dừng chân lại nơi này như đang tìm về quá khứ, cùng ôn lại những trang sử chói lọi, một thủa vàng son của Thành Nam kiên cường.

  1. Thành Nam – Điểm hẹn du lịch cuối tuần

Để mở đầu cho chương trình: City tour Thành Nam trong một ngày, chúng ta hãy cùng chọn ra một số địa danh du lịch trên đất Thành Nam mà bất cứ vị khách nào khi đến đây đều không thể bỏ qua.

Công viên Vị Xuyên:

Điểm đến dừng chân đầu tiên trong lịch trình du lịch Thành Nam, chính là:  Công viên Vị Xuyên. Nơi đây có tượng đài Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – Là một trong 10 vị tướng tài thế giới, là vị Tổng chỉ huy quân sự Triều Trần đã từng ba lần lãnh đạo quân và dân nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược vào các năm: 1.258 – 1.285 và huyết chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử 1288. Trần Hưng Đạo – Ngài là vị anh hùng dân tộc, toàn dân suy tôn ngài là bậc thánh (Thường gọi là Đức Thánh Trần).

Sau khi tảng bộ quanh khu vực sân khánh tiết, quý khách có thể chụp cho mình những bức hình làm kỷ niệm trước nhà văn hóa 3/2 hay trước tượng đài cao tới 10, 22m  bởi đây là một công trình văn hóa nghệ thuật tâm linh thể hiện lòng tôn kính, tri ân, đạo lý uống nước nhớ nguồn,  của người dân Nam Định đổi với vị anh hùng giải phóng dân tộc.

Nhà thờ Khoái Đồng:

Từ vị trí tượng đài, chúng ta di chuyển vòng quanh bờ hồ đến tham quan một công trình kiến trúc rất đặc sắc. Đó chính là Nhà thờ Khoái Đồng – Nơi đây là một thánh đường công giáo: Thánh Đường Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo. Ngôi Thánh đường này được xây dựng theo lối kiến trúc Châu Âu mang phong  cách RoMan là những mái vòm cong lớn chủ đạo từ mái vòm nhà thờ, đến các cửa lớn. Công trình được xây dựng từ 1.922 và hoàn thành năm 1.941

Thánh Đường Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo – Dòng Đa Minh, thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngôi Thánh đường này từng chứng kiến bao biến thiên của lịch sử Thành Nam. Những năm sau 1.954 công trình từng bị trưng dụng vào các mục đích phi tín ngưỡng: Từng làm Rạp chiếu bóng, xí nghiệp may, câu lạc bộ bóng tròn Thiên Trường.

Đến năm 2.008 Thủ tướng chính phủ đã có công văn chỉ đạo bàn giao lại đất và công trình cho nhà thờ và giáo dân quản lý, phục vụ các hoạt động tín ngưỡng của giáo dân trong giáo xứ.

Không biết quý vị và các bạn có cảm nhận như thế nào, nhưng riêng cá nhân Nhutruongtour sau nhiều năm có thời gian học tập và công tác tại Nam Định tôi luôn có một ấn tượng rất đặc biệt với ngôi thánh đường này, bởi nơi đây chính là một công trình kiến trúc cổ rất độc đáo còn tồn tại khá nguyên vẹn, kể như đẹp nhất trong các ngôi nhà thờ công giáo ở Thành Nam, đặc biệt mỗi khi nhìn từ phía đối diện bên hồ Vị Xuyên, ta lại thấy thấp thoáng một mái vòm đen huyền bí và phảng phất một dư âm về một thời xa vắng trong những làn sóng nước, mây bay trên hồ Vị Xuyên và nó như là một biểu tượng, hay một điều gì đó khó diễn tả và không thể thiếu cùng với hồ Vị Xuyên làm nên một di tích, một thắng cảnh tuyệt đẹp trong lòng thành phố.

Kỳ Đài Thành Nam

Cột cờ Nam Định được xây dựng vào năm 1.843 thời vua Thiệu Trị, cao 23,84m có các tầng bệ đế và thân trụ lớn. Trong thân cột cờ có đường xoắn ốc đi lên vọng canh. Vào năm 1972  kỳ đài bị bom Mỹ phá hủy và đến 1.997 được nhà nước ta phục dựng lại và hiện diện uy nghi cho đến ngày hôm nay.

Quần thể Hành cung Thiên Trường: Đền Trần – Chùa Tháp

Như đã giới thiệu, trong quá trình trị vì và xây dựng đất nước. Tại vùng đất  Khang Kiện xưa; Vua Trần Thái Tông đã cho xây dựng nhà cửa, cung điện tại Tức Mặc làm nơi ngự, mỗi khi về thăm quê.

Năm 1.262 Thượng hoàng Trần Thánh Tông ngự tại hương Tức mặc và ban tiệc cho dân, đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường – Xây dựng mở rộng các công trình lớn tại Hành cung Thiên Trường. Ngày nay chúng ta về đây được thăm các di tích nổi tiếng đó là đền Trần – Nơi thờ 14 vị vua trần, thăm đền Cố Trạch – Nơi thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thăm Đền Trùng Hoa.

Chúng ta đi tiếp một đoạn đường ngắn về hướng tây sang thăm chùa Tháp Phổ Minh – Là ngôi chùa cổ mang ý nghĩa truyền đạt ánh sáng văn minh theo chân lý của phật giáo cho chúng sinh. Ngôi chùa có gốc tích từ thời Lý và xây dựng mở rộng vào thời Trần nơi đây có ngọn bảo tháp 14 tầng cao 19,5m, tương truyền năm 1.308 vua Trần Anh Tông đã đặt dưới chân bảo tháp đặt 7/21 viên xá lỵ của vua cha – Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Ngày nay khi đến thăm chùa, sau khi thăm quan vãn cảnh bên ngoài khuôn viên, quý khách vào cung trong sẽ được chiêm bái bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Ngoài ý nghĩa phật giáo, lịch sử. Qua bức tượng ta còn cảm nhận được những giá trị tư tưởng, giá trị mĩ thuật rất đặc sắc mà các nghệ nhân xưa tạo tác.

Dành ít thời gian ghé thăm Hành cung Thiên Trường chúng ta sẽ cùng chung cảm nhận đúng theo lời của một hậu duệ nhà Trần từng viết:

“Khang Kiện gia từ kim diệc cổ

Phổ Minh linh tự cựu nhi tân”

>> Kính thưa quý du khách với chương trình City tour Thành Nam trong một ngày cùng những điểm dừng chân ấn tượng . Quý khách sẽ có những cảm nhận riêng cho mình. Chắc chắn hành trình này sẽ đong đầy những cảm xúc và sẽ là một kỷ niệm đẹp khi nhớ về Thành Nam. Đến đây Nhutruongtour cùng anh em dulichtruongthuan xin được gửi lời cảm ơn tất cả quý vị đã ủng hộ chúng tôi trong suốt thời gian qua, xin mến chào và hẹn gặp lại ở các hành trình tour gần nhất.                                                                                        

(Nhutruongtour Vn)

 

 

 

 

 

 

TƯ VẤN MIỄN PHÍ