Di tích Hải Vân Quan được xây dựng trên độ cao 490m của ngọn núi Hải Vân hùng vĩ. Đây là một công trình kiến trúc thành lũy quân sự, là một trong những quan ải hùng tráng bậc nhất ở Việt Nam. Di tích Hải Vân Quan thuộc địa bàn thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng; cách trung tâm thành phố Huế khoảng 90km về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 28 km về phía Nam. Hải Vân Quan mang nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Hải Vân Quan sẽ là cột mốc quan trọng nối kết hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung Bộ.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Hải Vân Quan đã chứng kiến nhiều trận chiến khốc liệt trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Đồng thời, di tích này cũng chịu tác động nặng nề từ điều kiện khí hậu mưa nhiều, nắng gắt vô cùng khắc nghiệt, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhận thức rõ giá trị của Hải Vân Quan, chính quyền hai địa phương đã đánh giá nơi đây là một tài nguyên du lịch độc đáo, có tiềm năng liên kết vùng và có thể trở thành “mỏ vàng” nếu được quản lý và khai thác một cách khoa học, hiệu quả. Vì vậy, hai địa phương đã cùng thực hiện một “cái bắt tay lịch sử” để hồi sinh di tích, thông qua việc xếp hạng và triển khai dự án trùng tu, bảo tồn Hải Vân Quan. Trong đợt trùng tu này, dự án tập trung vào việc phục hồi toàn diện các công trình kiến trúc, nhằm tái hiện vẻ đẹp và giá trị lịch sử của di tích.
Bắt đầu khởi công từ 19/12/2021 đến nay sau 3 năm, Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan đã được hoàn thành. Công trình này là tài sản chung vô giá, là biểu tượng của quan hệ đoàn kết, hợp tác tốt đẹp giữa thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là nền tảng quan trọng để hai bên tiếp tục phối hợp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tương lai.
Thực hiện dự án này, hai địa phương Huế và Đà Nẵng đã tạo lập một hình mẫu tiêu biểu về công tác khôi phục bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, thành phố Huế đã triển khai các hoạt động phục vụ, thu hút du khách như thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích quốc gia Hải Vân Quan. Hiện nay, hai thành phố còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan, như triển khai ứng dụng công nghệ 3D, phủ sóng wifi miễn phí tại điểm tham quan nhằm hỗ trợ du khách tìm hiểu thêm các giá trị di sản, cập nhật kịp thời các dịch vụ, tiện ích hiện có trong hành trình tham quan di tích quốc gia Hải Vân Quan; hai thành phố cùng với Khu Quản lý đường bộ tổ chức giao thông trên QL1 đoạn qua Hải Vân Quan; triển khai các hạng mục phụ trợ, đặc biệt là khu vực hậu cần dịch vụ như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn và không gian trưng bày sản phẩm lưu niệm phục vụ khách đến tham quan…
Với kiến trúc độc đáo, có giá trị to lớn về lịch sử quân sự, di tích quốc gia Hải Vân Quan với vị trí “độc nhất vô nhị” đã và đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng ngoạn. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa và thiên nhiên gắn với di tích quốc gia Hải Vân Quan là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng.
Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan hoàn thành đưa vào hoạt động, đây chính là sự nỗ lực cao và là biểu tượng đoàn kết giữa hai địa phương để cùng nhau thực hiện. Hy vọng trong thời gian tới, Hải Vân Quan sẽ trở thành một tuyến tham quan ý nghĩa, một địa chỉ văn hóa – lịch sử hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập; để du lịch đèo Hải Vân thực sự có đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, là một điểm dừng chân không thể thiếu trên “Con đường di sản miền Trung”.
Trung tâm Thông tin du lịch
Nguồn: vietnamtourism.gov.vn