Lễ Hội Dân Gian Việt Nam

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, cộng đồng người Việt đã xây dựng cho mình một nền văn hóa phong phú và đa dạng mang nhiều bản sắc dân tộc. Bản sắc đó được thể hiện rõ nét trong các lễ hội dân gian Việt Nam.
Lễ hội dân gian Việt Nam còn là một pho sử khổng lồ thể hiện những phong tục tín ngưỡng, văn hóa và cả những sự kiện xã hội quan trọng. Trong bất kỳ một lễ hội nào cũng chứa đựng một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa sâu xa là sự thờ cúng các vị thần thánh. Thần , thánh ở đây chính là người có công dựng làng, lập nước, có công truyền nghề, có công đánh giặc, chống thiên tai, dịch bệnh.
Dân làng mở hội nhằm hồi tưởng công lao của các vị thần, mặt khác dân làng còn hy vọng rằng ước nguyện của làng về một cuộc sống chung no đủ, giầu có, bình an được trở thành hiện thực. Họ đã gửi gấm những ước nguyện vào lời cầu khẩn các vị thần linh của làng.
Dẫu kết quả chưa đến, nhưng được đề đạt ước nguyện trước thần cũng đã tạo nên một sự an ủi, một sự bình ổn về tâm lí. Vì thế trong lễ hội bao giờ cũng có hai phần: Phần Lễ và phần hội.
Phần Lễ: Nhằm biểu hiện lòng thành kính của con người trước thần linh hay lực lượng siêu nhiên và bày tỏ mơ ước, nguyện vọng của con người trước những khó khăn của cuộc sống. Phần lễ thường được thực hiện ở Đình; Chùa hay Đền. Chùa là nơi thờ Phật, Đền là nơi thờ những vị thần có gốc tích lịch sử, Đình là nơi thờ thành hoàng ( là những người có công khai khẩn đầu tiên của làng). Đình còn được coi như nhà văn hóa làng.
Phần Hội: Trong lễ hội không thể thiếu phần hội, vì hội là để vui chơi thỏa thích, thoải mái không bị ràng buộc bởi những lễ nghi tôn giáo, tuổi tác sau những ngày tháng làm ăn lam lũ, dân làng chờ đón ngày hội như chờ đón một tin vui. Họ đến với hội hoàn toàn tự nguyện. Ngoài vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè, mọi người về dự hội đều cảm thấy mình được thêm một cái gì nữa. Đó có thể là điều may, hay lộc hội. Thứ quyền lợi vô hình ấy làm cho những người đi dự hội thêm phần phấn chấn. Chính vì vậy mà lễ hội bao giờ cũng đông người.
Hội còn là nơi thu hút toàn bộ các hoạt động nghệ thuật, thể thao,vui chơi … và là nơi thi thố các tài năng về chăn nuôi, trồng trọt , chế biến sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp như thi thổi cơm, làm bánh, thi nấu cỗ, thi nuôi gà, thi dệt vải, thi trọi trâu, đua vôi…
Tất cả các trò chơi thể thao thượng võ cũng được thu hút về hội như đánh đu, đánh vật, cướp cầu, đua thuyền, .. Tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng quy tụ về hội như hát quan họ, trống quân, múa rối nước, chèo tuồng hát ả đào…
Một không khí thiêng liêng, vui tươi trong sáng, tràn đầy tình nhân ái lan truyền trong suốt thười gian mở hội. Qua lễ hội, con người đều muốn sống tốt lành với nhau và cảm thấy gắn bó với làng với nước.
Trước đây, tuyệt đại bộ phận người Việt sống ở làng và hầu như làng nào cũng có hội. Có thể nói lễ hội của người Việt là hội làng. Rồi từ làng mới đến nước. Ở Việt Nam có gần 200 hội làng rải khắp từ Bắc chí Nam. Nhưng hội làng tiêu biểu, cổ truyền phản ánh được đầy đủ phong tục tập quán lâu đời, thường tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng. Thời gian mở hội thường vào mùa xuân và mùa thu là hai mùa đẹp, có ý nghĩa nhất trong một năm và cũng là lúc nhà nông có thời gian nhàn rỗi.
Hội làng còn là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo nghệ thuật của cộng đồng làng và xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Vì vậy mỗi hội có một sắc thái riêng của từng vùng, từng làng. Tuy nhiên cũng có thể tạm phân chia hội làng ra thành nhiều loại:
  • Hộ tưởng niệm anh hùng dân tộc: hội đền Hùng, đền Gióng, đền Hai Bà Trưng, Kiếp Bạc, tưởng nhớ Trần Hưng Đạo.
  • Hội tôn giáo: hội chùa Dâu, chùa Hương, chùa Keo, Phủ Giầy..
  • Hội văn hóa dân gian và hội làng nghề: hội Lim, hội tranh Đông Hồ, hội Phương Thành thờ ông tổ nghề dệt, hội Vó thờ ông tổ nghề đồng.
                                             (Nguồn: CN Hướng dẫn du lịch)
Kính mời Quý du khách xem Video trên kênh youtube của Du lịch Trường Thuận

                                                

TƯ VẤN MIỄN PHÍ